BS. Nguyễn Đào Nhật Minh – Khoa Sản phụ,
Bệnh viện Quốc tế Phương Châu
Sau phẫu thuật phụ khoa bệnh nhân mất nhiều sức lực, dịch thể và các dưỡng chất trong cơ thể. Do đó chế độ dinh dưỡng dành riêng cho bệnh nhân cần được quan tâm, nhằm xây dựng một chế độ cung cấp bổ sung dưỡng chất đúng và đủ giúp lành vết mổ tốt, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và tăng khả năng hồi phục sau mổ.
CÁC GIAI ĐOẠN CHUYỂN HÓA SAU PHẪU THUẬT
Có 3 giai đoạn chuyển hóa dinh dưỡng sau mổ, mỗi thời kì sẽ có nhu cầu dinh dưỡng tương đối khác nhau. Nhân viên y tế và bệnh nhân cũng như gia đình cần hiểu rõ nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn.
1. Giai đoạn đầu: ngày 1 – ngày 2 sau mổ
- Do vẫn còn ảnh hưởng của thuốc mê làm tăng nhiệt độ cơ thể, dẫn đến tăng nhu cầu Ni-tơ, Kali trong quá trình chuyển hóa. Hệ quả làm mất cân bằng Ni-tơ âm tính, cuối cùng làm liệt ruột, biểu hiện là bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chướng hơi ở bụng, chưa trung tiện và đại tiện được.
2. Giai đoạn giữa: ngày 3 – ngày 5 sau mổ
- Thời kì này lượng Kali và Ni-tơ bài tiết giảm, cân bằng Ni-tơ âm tính được tái lập, giúp nhu động ruột hoạt động trở lại bình thường, bệnh nhân có thể trung tiện được, có thể đại tiện được hoặc chưa được. Bệnh nhân trong giai đoạn này cảm thấy tỉnh táo và thèm ăn hơn.
3. Giai đoạn hồi phục: từ ngày 6 trở đi
- Hàm lượng Kali và Ni-tơ trở lại mức bình thường, bệnh nhân có thể đại tiện và trung tiện bình thường. Giai đoạn này bệnh nhân thèm ăn nhiều và cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
DINH DƯỠNG TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN
1. Giai đoạn đầu:
- Quan niệm trước đây thời kì đầu sau phẫu thuật khi bệnh nhân chưa trung tiện được thì mới bắt đầu cho ăn. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu các chuyên gia đã chứng minh rằng việc cho ăn muộn không hề có lợi cho sự hồi phục sau mổ.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra đời sống tế bào ruột khá ngắn (khoảng 24 giờ), do đó việc ăn muộn sẽ làm các tế bào này hoại tử, dẫn đến hệ vi khuẩn đường ruột thẩm lậu vào máu thông qua ruột. Những thử nghiệm nuôi ăn sớm, thậm chí chỉ sau 8 giờ sau phẫu thuật đã mang lại kết quả rất tốt. Do đó hiện nay các chuyên gia khuyên rằng nên cho ăn sớm sau phẫu thuật, khởi đầu bằng việc dùng cháo loãng, có thể uống thêm nước luộc rau, nước hoa quả, các thức uống bổ sung dinh dưỡng khác,… Sau đó, khi đã trung tiện được thì bổ sung thức ăn đặc dần thêm.
2. Giai đoạn giữa:
- Thời kì này tăng dần lượng thức ăn cung cấp qua hệ tiêu hóa và giảm các chế phẩm truyền tĩnh mạch.
- Khởi đầu từ khẩu phần ăn khoảng 500kcal và 30g protein, sau đó tăng dần mỗi ngày đến khi đạt được 2000kcal/ngày. Thức ăn cần được làm mềm và đặc dần, chia nhỏ bữa ăn trong ngày (4-6 bữa/ngày) giúp hệ tiêu hóa làm quen với việc hoạt động trở lại và giảm ảnh hưởng của việc chán ăn trong thời gian này. Gia đình nên phối hợp động viên tinh thần và kiên trì trong việc chăm sóc bệnh nhân.
3. Giai đoạn hồi phục:
- Thời gian này, vết mổ có thể giảm đau và bệnh nhân vận động, đi lại, tự sinh hoạt trở lại do đó cần nhiều năng lượng hơn. Khẩu phần ăn cần tăng dần lượng đạm (120-150gram/ngày) và năng lượng (2500-3000kcal/ngày), thức ăn vẫn nên được làm mềm và đặc dần, dễ tiêu hóa và chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra.
- Các loại thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng sữa,… giúp mau lành vết mổ và cung cấp nhiều năng lượng cho bệnh nhân. Ngoài ra các vi chất khác như vitamin C, vitamin A và các khoáng chất cũng cần được bổ sung đầy đủ thông qua các loại trái cây như cam, bưởi, chanh, rau xanh, cà rốt, củ cải đỏ, đu đủ,… giúp tăng cường đề kháng, hạn chế nhiễm khuẩn và mau lành vết mổ.
- Nước luôn luôn cần bổ sung sớm và đầy đủ từ những giai đoạn đầu sau mổ thông qua nước lọc, nước trái cây, các loại nước pha,… Mỗi ngày bệnh nhân sau mổ cần ít nhất 2 lít/ ngày. Điều này giúp cơ thể được thanh lọc, tạo điều kiện cho các quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, tái tạo tuần hoàn, lành vết thương tốt, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nhiễm khuẩn.
- Việc tạo sẹo mổ là tùy vào cơ địa mỗi người, mỗi loại da khác nhau, không có chứng cứ cho rằng việc ăn uống đầy đủ và giàu đạm sau phẫu thuật sẽ dẫn đến sẹo lồi, thâm da. Do đó các chuyên gia khuyên rằng nên bổ sung sớm và đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật, không nên kiêng cử quá mức mà dẫn đến cơ thể không đủ khả năng hồi phục tốt sau mổ, dẫn đến các tai biến sau phẫu thuật không nên có ví dụ như nhiễm trùng,… Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cần giữ vệ sinh cá nhân và giữ vết mổ khô, sạch sẽ, điều này làm giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu và tăng khả năng hồi phục sau mổ.
TỔNG KẾT
Tóm lại, một chế độ ăn sớm và hợp lí, đầy đủ kết hợp việc giữ vệ sinh cá nhân tốt, giữ vết mổ khô, sạch sẽ, là 2 yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân sau phẫu thuật phụ khoa sớm hồi phục sức khỏe và lành vết thương tốt. Hi vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin bổ ích đến với quý bạn đọc nhằm xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và có sức khỏe tốt.
Tài liệu tham khảo:
- http://bsdinhduong.vn/che-do-dinh-duong-trong-thoi-ky-hau-phau.html
- Tác động của dinh dưỡng đến việc tăng cường phục hồi sau phẫu thuật (ERAS) trong Ung thư phụ khoa, ngày 2, 16 tháng 5 năm 2019.
- Cho ăn sớm sau phẫu thuật sau đại phẫu phụ khoa: Y học khoa học dựa trên bằng chứng, Tập 185, Số 1, tháng 7 năm 2001, Trang 1-4
THÔNG TIN BỆNH VIỆN PHƯƠNG CHÂU SA ĐÉC
- Địa chỉ: 153 Nguyễn Sinh Sắc, Phường 2, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp
- Fanpage: https://www.facebook.com/phuongchausadec
- Website: https://sadec.phuongchau.com/