Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh lâu hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe cũng như việc vệ sinh. Chăm sóc rốn sạch ngay sau khi sinh và những ngày đầu sau sinh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn rốn.
Cùng bác sĩ Nhi khoa tìm hiểu “tất tần tật” về việc chăm sóc cuốn rốn để giữ cho “chiếc” rốn của bé được khỏe khoắn và xinh xẻo các mom nha
Dây rốn là gì?
Dây rốn là một cấu trúc hình ống vận chuyển thức ăn và oxy từ mẹ đến bé trong thai kỳ, và cũng giúp đưa các chất thải ra khỏi bé đi đến mẹ để cơ thể mẹ đào thải chúng.
Sau khi bé được sinh ra, các bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn. Dây rốn không có dây thần kinh nên cả mẹ và bé đều không có cảm giác gì. Và sau đó một phần nhỏ còn lại của dây rốn sẽ được để lại trên bụng bé, phần này có thể dài từ 1-5cm.
Lúc đầu, phần gốc rốn này thường có màu vàng tươi. Nhưng dần dần khi trở nên khô đi, nó sẽ chuyển sang màu nâu hoặc xám, hoặc đôi khi có màu hơi tím hoặc xanh, sau đó phần gốc này sẽ teo lại và chuyển sang màu đen trước khi tự rụng ra.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Đây là một số lưu ý để chăm sóc rốn cho bé:
– Hãy nhẹ nhàng. Đừng bao giờ kéo mạnh dây rốn sẽ có thể làm rốn bị rụng sớm và dễ gây nhiễm trùng.
– Luôn luôn giữ rốn sạch sẽ và khô ráo. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phương pháp chăm sóc rốn khô, tránh hoàn toàn việc bôi thuốc mỡ hoặc kem dưỡng lên rốn, để rốn tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt giúp rốn mau khô hơn.
– Hãy để cho dây rốn tự rụng (Ngày xưa, các bác sĩ thường đề nghị lau phần gốc rốn bằng cồn để giúp nó khô nhanh, nhưng hướng dẫn này đã thay đổi rồi nhé các mẹ)
– Mặc tã và gấp phần tã xuống để rốn được thông thoáng và ngăn phân hoặc nước tiểu của bé tràn lên làm ướt dây rốn. Nếu bé đi tiêu nhiều và dính phân hoặc nước tiểu vào dây rốn, hãy lau nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước.
– Không được dán hoặc băng kín rốn và cũng không nên chườm các vật như cúc áo, đồng xu lên phần rốn.
Mặc tã đúng cách và giữ rốn luôn được khô thoáng
Hãy luôn kiểm tra rốn thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu có những dấu hiệu dưới đây thì mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ ngay:
– Có chảy máu ở chân rốn
– Rốn rỉ dịch màu trắng hoặc vàng nhiều và có mùi hôi
– Sưng nề hoặc đỏ xung quanh rốn
– Có dấu hiệu cho thấy bé đang bị đau quanh rốn (ví dụ, bé khóc khi chạm vào vùng xung quanh rốn).
Nếu em bé của mẹ có cân nặng lúc sinh thấp do bé sinh non hay do các vấn đề sức khỏe nào khác, bé có thể sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn, vì vậy tốt nhất nên theo dõi kĩ các dấu hiệu ở trên nhé!
Khi rốn rụng sẽ thế nào?
Thông thường, rốn sẽ tự rụng sau 10-14 ngày từ khi con sinh ra, nhưng đôi khi có thể kéo dài đến 21 ngày
Khi rốn rụng có thể mẹ sẽ thấy có một ít máu ở phần gốc hoặc có ít chất dịch màu vàng dính rỉ ra, điều này là bình thường, hãy tiếp tục giữ phần rốn luôn khô ráo và sạch sẽ. Nhưng nếu máu chảy ra nhiều hoặc rỉ dịch có mủ thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhé. Đôi khi mẹ thấy có 1 ít vảy sẹo trên rốn thì điều này cũng là bình thường, các mô sẹo này có thể tạo thành một khối màu đỏ trên bụng bé và được gọi là u hạt rốn.
Nếu rốn không tự rụng sau 3 tuần hoặc mẹ thấy bé có sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Việc rốn không rụng có thể do khả năng miễn dịch kém hoặc có bất thường mạch máu rốn.
Các biến chứng ở dây rốn
Tuy ít gặp nhưng các mẹ nên lưu ý một số tình trạng có thể gặp ở rốn:
– Nhiễm trùng rốn: là khi vùng xung quanh chân rốn bị viêm. Thường sẽ gây đau, chảy máu hoặc rỉ dịch rốn, bé khó chịu và sốt. Tình trạng này cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
– Thoát vị rốn: là tình trạng xảy ra khi một phần ruột của bé sẽ chui qua các cơ ở gần rốn. Thường việc này không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi khi bé lên 2 tuổi.
– U hạt rốn (chồi rốn): là một khối mô mềm nhỏ màu đỏ hồng và tiết dịch màu vàng, do các mô sẹo của rốn đã rụng ra tạo thành. Nếu thấy hiện tượng này và nó không tự biến mất sau khoảng 1-2 tuần thì hãy đến gặp bác sĩ để các bác sĩ xem xét điều trị cho con nhé. Có thể các bác sĩ sẽ đốt nhẹ vào khu vực này để các mô sẹo khô đi, và do phần dây rốn không có dây thần kinh nên việc này sẽ không gây đau cho bé.
Thoát vị rốn và U hạt rốn
Khi rốn có dấu hiệu nhiễm trùng, ba mẹ cần đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn hướng điều trị thích hợp. Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, bé sẽ được chăm sóc tại nhà, khi đó việc hiểu tường tận cách chăm sóc rốn sẽ giúp ích cho ba mẹ lúc này. Đừng quên cho bé uống thuốc đủ liệu trình ngay cả khi rốn được cải thiện.
Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-umbilical-cord#1
BS Đỗ Kiều Anh Thư, BS khám & điều trị Khoa Nhi, BVQT Phương Châu