Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhắc đến độc tố botulinum trong các vụ ngộ độc thực phẩm. Vậy ngộ độc botulinum là gì? Triệu chứng ra sao? Cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Phương Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Ngộ độc thực phẩm do botulinum là gì?
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là bệnh gây liệt cơ hiếm gặp nhưng độc lực rất mạnh. Bệnh gây ra bởi gây ra bởi độc tố tấn công thần kinh là botulinum. Độc tố này được sản xuất chủ yếu bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Hoặc đôi khi các dòng vi khuẩn khác như C. butyricum và C. baratii.
Con người có thể bị nhiễm độc botulinum là do:
- Ngộ độc qua thực phẩm chứa độc tố hoặc vỏ vi khuẩn.
- Ngộ độc qua vết thương nhiễm khuẩn C. botulinum, chúng tiết ra độc tố gây bệnh.
- Ngộ độc khi sử dụng quá liều độc tố botulinum (thường dùng trong thẩm mỹ).
Tất cả các dạng ngộ độc botulinum có thể tử vong và được xem là tình trạng cấp cứu. Có khi tình trạng này được xem là một tình trạng cấp cứu về sức khỏe cộng đồng. Bởi vì vì nhiều người có thể cùng một lúc ăn phải thức ăn bị nhiễm độc. Ngộ độc botulinum không lây truyền từ người sang người.
Triệu chứng của ngộ độc botulinum
Triệu chứng cổ điển của ngộ độc botulinum bao gồm:
- Nhìn đôi, nhìn mờ
- Sụp mí
- Nói ngọng
- Nuốt khó
- Khô miệng
- Yếu cơ
Thường triệu chứng bắt đầu bằng sự yếu đi của các cơ kiểm soát mắt, mặt, miệng và cổ họng. Yếu cơ có thể lan đến cổ, tay, chân và các cơ liên quan đến hô hấp. Trong ngộ độc botulinum qua thực phẩm, triệu chứng thường khởi đầu 18 đến 36 giờ sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Nhưng cũng có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ hoặc muộn sau 10 ngày. Nếu bệnh trầm trọng, cơ hô hấp cũng bị tổn thương dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được hỗ trợ hô hấp, thở máy.
Các triệu chứng của ngộ độc botulinum
Chẩn đoán ngộ độc botulinum như thế nào?
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Yếu tố gia đình, người sử dụng chung bị các biểu hiện tương tự cũng góp phần hướng đến chẩn đoán.
Một số trường hợp có thể tìm thấy vi khuẩn trong thực phẩm đã sử dụng gây ngộ độc. Các kỹ thuật sử dụng thường là nuôi cấy hoặc khuếch đại gien (PCR). Các phương pháp khác hỗ trợ chẩn đoán bệnh: tìm độc tố trong phân, dịch dạ dày, vết thương, máu…
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác
Những bệnh lý khác như hội chứng Guillain-Barré, đột quỵ và nhược cơ có thể biểu hiện giống như ngộ độc botulinum. Do vậy cần làm các xét nghiệm chuyên biệt để loại trừ những tình trạng này.
Các xét nghiệm chuyên biệt bao gồm:
- Chụp cắt lớp não
- Xét nghiệm dịch tủy, não tủy
- Xét nghiệm dẫn truyền thần kinh, và xét nghiệm trương lực cơ dành cho bệnh nhược cơ
Điều trị ngộ độc botulinum như thế nào?
* Điều trị đặc hiệu:
- Thuốc kháng độc tố nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán lâm sàng.
- Nên dùng thuốc sớm để có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc có vai trò trung hòa các độc tố chưa gắn lên tế bào thần kinh. Từ đó, giúp ngăn diễn tiến nặng hơn của bệnh.
* Điều trị triệu chứng:
- Những trường hợp ngộ độc botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy. Thời gian điều trị thở máy có thể là hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
- Không cần dùng thuốc kháng sinh khi điều trị (trừ trường hợp nhiễm độc từ vết thương).
- Hiện tại chưa có vắc xin có hiệu quả phòng ngừa bệnh.
Đề phòng ngộ độc botulinum bằng cách nào?
- Tuân thủ các nguyên tắc an toàn vệ sinh khi đóng hộp thực phẩm.
- Thực phẩm muối chua nên được sơ chế rửa và nấu đúng cách để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Cần rửa sạch với xà phòng các bề mặt, hộp đựng, dụng cụ làm bếp… mà thực phẩm đã tiếp xúc qua.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách, nhất là vào mùa nắng nóng.
- Botulinum có thể làm nắp hộp trữ thức ăn lồi lên hoặc phù ra ngoài, làm thức ăn có mùi khác lạ. Không nên sử dụng các hộp thức ăn bị cong hay đóng rỉ sét xung quanh vành, rìa hộp.
- Độc tố botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Thức ăn đóng hộp cần thiết có thể nấu sôi khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
- Nhiễm độc botulinum từ vết thương có thể được phòng ngừa bằng cách chăm sóc vết thương đúng cách ngay khi bị thương. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trong việc dùng thuốc trong điều trị vết thương.
- Giữ vệ sinh cho trẻ. Tránh trẻ cho tay bẩn vào miệng.
- Nên mua và sử dụng mật ong có chất lượng và an toàn.
Thông tin liên hệ:
BỆNH VIỆN PHƯƠNG CHÂU SA ĐÉC
- Địa chỉ: 153 Nguyễn Sinh Sắc, Phường 2, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp
- Tổng đài: 1900 54 54 66 (nhấn phím 2)
- Fanpage: https://www.facebook.com/phuongchausadec
- Website: https://sadec.phuongchau.com