Phụ nữ càng lớn tuổi sẽ đối mặt với những nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn, trong đó có những bệnh lý đặc trưng như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng… gọi chung là sa tạng vùng chậu. Điều đáng nói khi hiện nay có những trường hợp mắc các bệnh trên với độ tuổi trẻ hóa dần.
BVQT Phương Châu với các bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ đã gặp và điều trị cho nhiều bệnh nhân sa tạng vùng chậu từ mức độ nhẹ đến nặng khi áp dụng các phương pháp tiên tiến không xâm lấn, nhẹ nhàng và tối ưu hơn cho người phụ nữ mắc bệnh.
1. SA TẠNG VÙNG CHẬU LÀ GÌ?
Sa tạng vùng chậu (Pelvic Organ Prolapse) hay còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu, sa sinh dục… là thuật ngữ chung dùng để nói đến các loại bệnh lý như: sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có khoảng 5 – 10% phụ nữ từ 40 – 60 tuổi mắc bệnh són tiểu, sa sinh dục, đặc biệt có những trường hợp ở độ tuổi 25 – 30.
Sa sinh dục, són tiểu là những bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Nhiều phụ nữ mắc căn bệnh này thường không biết chữa ở đâu và tâm lý hay ngại ngùng, giấu bệnh, đặc biệt họ có thể gặp phải những rắc rối trong quan hệ vợ chồng.
2. AI LÀ NGƯỜI DỄ BỊ SA TẠNG VÙNG CHẬU?
Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế giới: 80% những bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu có số lần sinh con trên 3 lần.
Những người làm việc nặng và thường xuyên tăng áp lực ổ bụng cũng là yếu tố nguy cơ.
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH?
Đối với những bệnh nhân sa tạng vùng chậu từ độ 2 trở lên, triệu chứng chính mà người bệnh có thể tự phát hiện là có một khối sa ra ngoài âm hộ, khối sa càng thấy rõ khi làm việc nặng, khi ngồi hoặc khi đi lại nhiều. Khối sa có thể tự rút lên khi người bệnh nghỉ ngơi hay phải dùng tay đẩy khối sa vào trong tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Đối với những bệnh nhân sa tạng vùng chậu mức độ nhẹ, khối sa còn nằm trong âm đạo thì việc tự phát hiện hơi khó khăn. Bệnh nhân có thể phát hiện khối trong âm đạo khi vệ sinh vùng kín.
4. ĐIỀU TRỊ SA TẠNG VÙNG CHẬU NHƯ THẾ NÀO?
Từ rất xưa, các nhà Sản Phụ khoa đã dùng những kỹ thuật cắt tử cung ngã âm đạo để điều trị sa tử cung hoặc khâu treo bàng quang…
Ngày nay với phương pháp phẫu thuật ngày càng cải tiến thì vấn đề điều trị sa tạng vùng chậu ngày càng mở ra những triển vọng tốt đẹp.
Tại BVQT Phương Châu ngoài việc phẫu thuật xâm lấn vào cơ thể phụ nữ như cắt tử cung ngã âm đạo, đặt mảnh ghép tổng hợp thì việc điều trị sa tạng vùng chậu được quan tâm hơn bằng phương pháp không xâm lấn là ĐẶT VÒNG NÂNG.
ThS.BS. Lương Ngọc Bích, chuyên khoa Sản Phụ, BVQTPC