Sữa đầu
Sữa đầu là sữa xuất hiện đầu tiên trong cữ bú của bé. Thông thường, sữa đầu sẽ được tiết ra trong khoảng thời gian 10 phút đầu tiên của cữ bú. Thành phần của sữa đầu chủ yếu là vitamin, nước, protein, khoáng chất vì thế, sữa thường có màu trắng do ít chất béo. Sữa đầu thường có vị hơi lợ giống nước điện giải. Nếu chỉ bú được sữa đầu thì bé rất nhanh đói.
Sữa cuối
Sữa cuối là sữa được tiết ra sau sữa đầu, là sữa cuối của cữ bú. Sữa này chứa nhiều chất béo và cung cấp nhiều năng lượng hơn sữa đầu nên sẽ giúp bé tăng cân tốt hơn và no lâu. Cũng vì chứa nhiều chất béo nên sữa cuối thường có màu hơi vàng, đặc sánh hơn sữa đầu.
Cả hai loại sữa trên đều chứa lactose – 1 thành phần đường carbohydrate của sữa mẹ và rất cần thiết cho sự phát triển của bé. Đường lactose giúp vi khuẩn có lợi ( lợi khuẩn) phát triển trong đường ruột , giúp bé chống lại vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng xấu.
Mất cân bằng sữa đầu/ sữa cuối
Mất cân bằng sữa đầu/ sữa cuối, còn được gọi là quá tải đường lactose, có thể xảy ra khi bé gặp khó khăn trong việc tiêu hóa đường lactose trong sữa của mẹ do cho ăn/bú sữa quá nhiều, ăn/bú sữa ít chất béo hoặc cho ăn/bú với khối lượng lớn.
Khi con bạn nạp một lượng lớn sữa mẹ, sữa đầu đến trước có thể làm trẻ no trước khi có thể uống nhiều sữa sau. Do vậy, bé không tiếp nhận đủ sữa có hàm lượng chất béo cao và kết thúc cử bú bằng việc uống nhiều sữa ít chất béo. Từ đó hàm lượng chất béo trong thức ăn của trẻ sẽ mất cân bằng. Vì chất béo tiêu hóa chậm mà sữa sữa đầu thường ít chất béo hơn nên sữa sẽ di chuyển qua hệ tiêu hóa của bé một cách nhanh chóng. Sữa đi qua ruột quá nhanh khiến tất cả đường lactose trong sữa không có đủ thời gian để phân hủy và tiêu hóa.
Số lượng lớn lactose không được tiêu hóa này sẽ đi đến ruột già, nơi nó bị lên men và tạo ra nhiều khí. Lượng khí này là gốc rễ của các triệu chứng mất cân bằng sữa đầu / sữa cuối của bé.
Các triệu chứng của bé
Nếu bé bị mất cân bằng sữa đầu/ sữa cuối (quá tải lactose) sẽ có các triệu chứng giống như bị rối loạn tiêu hóa hoặc bất dung nạp đường lactose. Cụ thể:
– Phân lỏng, có thể có màu xanh, nhiều bọt, mùi chua
– Đầy hơi, chướng bụng, xì hơn nhiều quá mức
– Trẻ có thể đau bụng, biểu hiện bằng việc khóc thét và quấy
– Khó ngủ
– Thèm ăn hơn bình thường, biểu hiện muốn bú liên tục.
– Phân có tính axit cao, gây hăm tã kéo dài
– Khó chịu / la khóc/ không ngủ vào một số thời điểm nhất định trong ngày
Tỉ lệ sữa đầu và sữa cuối của mỗi phụ nữ là khác nhau và hàm lượng chất béo trong sữa đầu và sữa cuối cũng vậy. Một số trẻ có thể không bao giờ bị quá tải lactose, trong khi một số trẻ có thể liên tục có những triệu chứng này. Mẹ sẽ biết rằng em bé của mình ổn nếu bé vẫn lanh lợi, bú giỏi và đi ngoài ra phân có màu vàng hoặc nâu.
Hướng xử trí:
Nhiều nguồn tin sẽ cho rằng cần loại bỏ tất cả các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn uống của mẹ. Tuy nhiên vì tỉ lệ lactose trong sữa mẹ là tương đối ổn định, do đó, quá tải lactose không phải là do khẩu phần ăn của mẹ. Cho dù mẹ ăn ít hay nhiều đường, lượng đường trong sữa mẹ vẫn ổn định. Ngay cả khi con bị “quá tải lactose” mẹ cũng không phải kiêng “bột đường” như nhiều người lầm tưởng.
Mẹ có thể làm nhiều cách khác nhau để hạn chế tình trạng trên:
– Tìm cách, tư thế để bé ngậm ti tốt hơn. Khi đó bé sẽ kiểm soát được dòng chảy của sữa hơn do ngậm bắt vú sâu hơn.
- Nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi cho trẻ bú. Trọng lực sẽ giữ cho sữa mẹ không chảy quá tự do.
- Không giới hạn thời gian bú của bé. Trẻ bú càng lâu và bú càng nhiều sữa mẹ thì khả năng tiêu hóa của trẻ càng tốt.
- Cho bé bú thường xuyên hơn. Vì khoảng cách giữa các cữ bú càng lâu cơ thể bạn có nhiều thời gian hơn để tạo ra nhiều sữa đầu (chứa nhiều lactose) hơn. Việc bú mẹ thường xuyên giúp bé thoải mái và giúp hệ tiêu hóa của bé giảm đầy hơi hơn.
– Một cách đáng tin cậy để điều trị tình trạng mất cân bằng sữa đầu / sữa cuối là tách sữa mẹ. Cho trẻ bú ít sữa trước và nhiều sữa sau sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa đường lactose có trong sữa của bạn.
Tách sữa mẹ:
Nếu bạn quan tâm đến việc tách sữa, bạn có thể thử làm theo các bước sau:
– Gắn máy hút sữa vào bầu ngực của bạn và bắt đầu hút.
- Theo dõi dòng chảy của sữa và tắt máy hút từ 2 đến 3 phút sau khi sữa chảy ổn định.
- Lượng sữa đầu tiên này là sữa đầu, ta cho vào dụng cụ chứa và dán nhãn.
- Bắt đầu hút lại cho đến khi sữa ngừng chảy từ 2 đến 3 phút.
- Lượng sữa đầu tiên này là sữa cuối, ta cho vào dụng cụ chứa và dán nhãn.
- Cho trẻ bú sữa cuối hoặc hỗn hợp sữa đầu với lượng nhiều sữa cuối sẽ giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Nếu bé vẫn có dấu hiệu của tình trạng quá tải lactose hãy đến khám và nhận sự tư vấn của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo: https://www.webmd.com/parenting/baby/what-to-know-about-foremilk-and-hindmilk
Tổng đài 1900 54 54 66 (Phím 2) sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thông tin cần thiết.
Bs Nguyễn Thị Mỹ Dung, BS khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu