1. Thời gian nằm sấp là gì?
Thời gian nằm sấp (Tummy time) là đặt trẻ nằm sấp trong thời gian ngắn trong khi trẻ thức. Đó là một cách quan trọng để giúp trẻ tăng cường cơ cổ và vai, đồng thời cải thiện các kỹ năng vận động.
Chú ý: Hãy đảm bảo ở bên em bé và theo dõi chặt chẽ trong thời gian nằm sấp.
2. Thời gian nằm sấp có lợi ích gì?
Thời gian nằm sấp đem lại những lợi ích sau:
– Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 1–3 tháng tuổi mới phát triển khả năng kiểm soát cổ. Thời gian nằm sấp giúp phát triển các cơ mà chúng cần để lật, ngồi dậy, bò và đi bộ. Bố mẹ cần luôn ở bên con trong thời gian nằm sấp này.
– Trẻ lớn hơn, 4–7 tháng tuổi. Trẻ vẫn nên được người lớn giám sát, ngay cả khi trẻ có thể biết lật tốt và ngồi với một số trợ giúp. Thời gian nằm sấp giúp trẻ tập nâng đầu và ngực hơn nữa bằng cách duỗi thẳng cánh tay. Điều này giúp tăng cường cơ bắp tay, cơ ngực và cơ lưng.
– Trẻ sơ sinh bị tật cổ được gọi là tật vẹo cổ (tortikolliss). Cơ cổ thắt chặt giữ cho em bé không quay đầu. Thời gian nằm sấp khuyến khích trẻ sơ sinh quan sát xung quanh và cùng với các bài tập mà bác sĩ sẽ chỉ cho bạn, có thể giúp cơ cổ của trẻ thư giãn.
– Một số trẻ bị hội chứng bẹp đầu do tư thế (flat head syndrome -positional plagiocephaly). Điều này xảy ra khi trẻ sơ sinh nằm ngửa quá nhiều và để đầu ở một tư thế trong những tháng đầu đời. Điều này có thể làm cho đầu trẻ bị bẹp lại ở vị trí tiếp xúc nhiều với mặt giường, ở một bên hoặc phía sau đầu. Nằm sấp giúp trẻ phòng tránh tật hội chứng đầu phẳng do lúc này đầu trẻ được tự do, và không chịu áp lực khi tiếp xúc với mặt giường.
3. Cách thực hiện thời gian nằm sấp
– Đối với trẻ sơ sinh:
Bắt đầu cho trẻ sơ sinh nằm sấp bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên ngực hoặc ngang đùi bạn trong vài phút mỗi lần, hai hoặc ba lần một ngày. Khi nằm sấp, bé có thể tập nâng đầu và tăng cường sức mạnh cho cơ cổ và vai. Khi bé đã quen, bạn có thể tập lâu hơn một chút.
– Đối với trẻ lớn hơn:
+ Đặt chăn xuống khu vực thoáng trên sàn. Đặt trẻ nằm sấp trên chăn trong 3–5 phút để bắt đầu, vài lần mỗi ngày. Em bé của bạn có thể quấy khóc và bực bội trong tư thế này. Giữ thời gian nằm sấp ngắn cho các buổi đầu tiên và dần dần kéo dài thời gian. Bạn cũng nên dành thời gian nằm sấp khi con bạn được cho ăn, thay tả và vui chơi.
+ Khi bé đã quen, hãy cho con của bạn nằm sấp xuống thường xuyên hơn hoặc trong thời gian dài hơn. Các chuyên gia khuyến nghị rằng trẻ sơ sinh nên nằm sấp khoảng 1 giờ mỗi ngày khi trẻ được 3 tháng tuổi.
+ Tạo ra một số tiếng động hoặc lắc lư để con bạn ngước nhìn và đẩy hai vai lên. Đặt một món đồ chơi yêu thích trước mặt bé để khuyến khích trẻ vươn người và cử động về phía trước.
– Đối với trẻ sơ sinh tật vẹo cổ hoặc hội chứng đầu phẳng:
Bài tập này rất tốt cho trẻ sơ sinh bị tật vẹo cổ và / hoặc bị đầu phẳng, đồng thời có thể giúp điều trị cả hai vấn đề. Đặt trẻ nằm trong lòng bạn trong thời gian nằm sấp. Đặt em bé của bạn quay đầu ra xa bạn. Sau đó, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe. Khuyến khích con của bạn quay lại và đối mặt với bạn. Thực hiện bài tập này trong 10–15 phút.
4. Một số điều bạn cần biết khi thực hiện nằm sấp cho trẻ.
– Luôn ở bên con trong thời gian nằm sấp.
– Luôn đặt trẻ nằm ngửa (không nằm sấp) khi ngủ để giúp ngăn ngừa SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).
– Tập nằm sấp trên bề mặt thấp, an toàn. Không đặt em bé của bạn trên ghế sofa hoặc nệm mềm, vì bé có thể úp mặt và bị ngạt trên gối hoặc bề mặt mềm.
Nếu em bé của bạn dường như không thích thời gian nằm sấp, hãy thêm một số hoạt động để dụ trẻ. Hát các bài hát, để đồ chơi nhiều màu sắc gần đó, hãy khom người và nhìn thẳng vào mắt bé và để những người khác tham gia cùng bạn. Đừng bỏ cuộc! Thời gian nằm sấp rất quan trọng và một số bé chỉ cần thêm một chút thời gian để làm quen với hoạt động này.
Tài liệu tham khảo: https://kidshealth.org/en/parents/tummy-time.html
Tổng đài 1900 54 54 66 (phím 2) sẵn sàng hỗ trợ gia đình các thông tin cần thiết.
BS Nguyễn Hữu Tiền, BS khám và điều trị khoa Nhi, BVQT Phương Châu