TÌM HIỂU VỀ BỆNH GÚT: VUA CỦA CÁC CƠN ĐAU

Phẫu thuật cắt bỏ tophi ở người bệnh gút tại BVQT Phương Châu

Bài viết được cố vấn bởi BS.CKII. Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng Khoa Ngoại BVQT Phương Châu. BS.CKII. Nguyễn Thanh Chơn có hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại Khoa.

1. Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là bệnh viêm khớp vi tinh thể do rối loạn chuyển hóa nhân purin gây ra.

Người bệnh gút thường có lượng acid uric trong máu cao. Theo thời gian, các tinh thể acid uric dần hình thành. Các tinh thể này tập trung lại ở các mô liên kết của khớp gây sưng, viêm và đau đớn cho người bệnh.

Hình ảnh một khối tophi to ở người bệnh gút mạn tính

Hình ảnh một khối tophi to ở người bệnh gút mạn tính

2. Ai có thể mắc bệnh gút?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh gút. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở đối tượng nam giới (95%) ở độ tuổi từ 30-60 tuổi.

Ở phụ nữ, bệnh ít xảy ra trước tuổi mãn kinh. Ở trẻ em và thanh thiếu niên ít gặp.

3. Nguyên nhân gây bệnh gút

Có hai nhóm nguyên nhân gây bệnh gút: nguyên phát và thứ phát.

Nguyên phát:

– Không xác định được nguyên nhân

– Có thể ảnh hưởng bởi chế độ ăn giàu purin: thịt đỏ, hải sản, uống nhiều rượu bia,…

Thứ phát:

– Do nguyên nhân di truyền (rất hiếm gặp)

– Do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai:

  • Suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận
  • Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp.
  • Dùng thuốc lợi tiểu như Furosemid, Thiazid, Acetazolamid…
  • Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính; thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid)…

4. Biểu hiện của bệnh gút:

Cơn gút cấp:

Biểu hiện đầu tiên của bệnh gút là xuất hiện các đợt viêm gút cấp, với các dấu hiệu điển hình:

– Khớp đau dữ dội và ngày càng tăng

– Khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng

– Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào

– Vùng da quanh khớp nóng hơn bình thường

Cơn gút gấp thường khởi phát đột ngột vào ban đêm, thường gặp ở khớp bàn – ngón chân cái (60 – 70% ). Lúc đầu thường chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm ra nhiều khớp.

Cơn gút cấp kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày. Sau đó, khớp trở lại hoàn toàn bình thường.

Cơn gút cấp dễ tái phát, khoảng cách có thể gần nhưng cũng có thể rất xa, có khi >10 năm.

Bệnh gút mạn

Biểu hiện thường gặp ở bệnh gút giai đoạn mãn tính bao gồm:

– Hình thành các hạt tôphi dưới da:

  • Lắng đọng urat làm cho hình thành các tôphi dưới da và gây nên bệnh khớp mạn tính do urat.
  • Các hạt tôphi xuất hiện chậm, hàng chục năm sau cơn gút đầu tiên nhưng có khi sớm hơn. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng, khối lượng và có thể gây loét.
  • Tôphi thường thấy trên sụn vành tai, khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille.

– Tổn thương khớp do urat:

  • Bệnh xuất hiện chậm. Khớp bị cứng, đau khi vận động và làm hạn chế vận động. Khớp có thể sưng to vừa phải, không đối xứng, cũng có thể có tôphi kèm theo.
  • Trên X-quang thấy hẹp khớp, hình ảnh khuyết xương hình hốc ở đầu xương.

– Bệnh thận do urat: Urat lắng đọng rải rác ở tổ chức kẽ thận, bể thận, niệu quản gây ra:

  • Sỏi thận: 10 – 20% các trường hợp gút. Sỏi urat thường nhỏ và không cản quang.
  • Tổn thương thận: các tổn thương thận lâu ngày dần dần diễn tiến đến suy thận. Suy thận thường tiến triển chậm và là nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh gút.

5. Chẩn đoán xác định bệnh gút

Có thể áp dụng một trong các tiêu chuẩn sau:

* Tiêu chuẩn Bennet và Wood (1968): Độ nhạy 70%, độ đặc hiệu 82,7%

Tiêu chuẩn này được áp dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam do dễ nhớ và phù hợp với điều kiện thiếu xét nghiệm.

a. Hoặc tìm thấy tinh thể natri urat trong dịch khớp hay trong các hạt tôphi.

b. Hoặc tối thiểu có hai trong các yếu tố sau đây:

  • Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu hai đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội, và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
  • Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên.
  • Có hạt tôphi.
  • Đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.

Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b.

* Theo tiêu chuẩn của ILAR và Omeract năm 2000: Độ nhạy 70%, đặc hiệu 78,8%.

– Có tinh thể urat đặc trưng trong dịch khớp, và/hoặc:

– Hạt tôphi được chứng minh có chứa tinh thể urat bằng phương pháp hóa học hoặc kính hiển vi phân cực, và/hoặc:

– Có 6 trong số 12 biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm và X-quang sau:

1. Viêm tiến triển tối đa trong vòng một ngày.

2. Có hơn một cơn viêm khớp cấp.

3. Viêm khớp ở một khớp.

4. Đỏ vùng khớp.

5. Sưng, đau khớp bàn ngón chân I.

6. Viêm khớp bàn ngón chân I ở một bên.

7. Viêm khớp cổ chân một bên.

8. Tôphi nhìn thấy được.

9. Tăng acid uric máu (nam ≥ 420 µmol/l, nữ ≥ 360µmol/l).

10. Sưng đau khớp không đối xứng.

11. Nang dưới vỏ xương, không có hình khuyết xương trên Xquang.

12. Cấy vi khuẩn âm tính.

6. Các phương pháp điều trị bệnh gút

Nguyên tắc chung khi điều trị

– Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp.

– Điều trị dự phòng tái phát cơn gút cấp, lắng đọng urat trong các mô và dự phòng biến chứng. Mục tiêu là kiểm soát lượng acid uric trong máu ở nồng độ phù hợp.

Điều trị cụ thể

Chế độ ăn uống – sinh hoạt

– Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua… Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150g/24 giờ.

– Không uống rượu bia, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên

– Uống nhiều nước, khoảng 2 – 4lít/24giờ

– Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu

– Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như stress, chấn thương, thời tiết lạnh…

Điều trị nội khoa:

– Thuốc chống viêm: dùng giảm viêm đau trong đợt gút cấp

– Thuốc giảm acid uric trong máu: dùng trong giai đoạn gút mạn phòng ngừa đợt cấp tái phát

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật cắt bỏ hạt tôphi được chỉ định trong trường hợp

– Gút kèm biến chứng loét

– Bội nhiễm hạt tôphi

– Hạt tôphi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ.

Phẫu thuật cắt bỏ tophi ở người bệnh gút tại BVQT Phương Châu

Phẫu thuật cắt bỏ tophi ở người bệnh gút tại BVQT Phương Châu

7. Phòng ngừa bệnh gút

Những lời khuyên để có thể hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn:

– Giữ lối sống sinh hoạt lành mạnh, không làm việc quá gắng sức và mệt mỏi

– Hạn chế các thức ăn chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, hải sản,… ăn nhiều chất xơ

– Uống nhiều nước mỗi ngày

– Không uống nhiều bia rượu vì đây các loại đồ uống cung cấp nhiều purin

– Giữ cân nặng hợp lý và duy trì tập thể dục mỗi ngày

– Tuân thủ chế độ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hay ngưng thuốc

Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh gút thì nên đi khám sức khỏe thường xuyên để kiểm tra nồng độ uric trong máu. Đây là một xét nghiệm thường quy có trong tất cả các gói khám sức khỏe tổng quát.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về Gói khám sức khỏe tổng quát tại đây.

Tổng đài 1900 54 54 66 (phím 2) sẵn sàng hỗ trợ các gia đình những thông tin cần thiết.

—————————-

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y Tế (2016), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, Nhà xuất bản Y Học (Hà Nội), trang 89-94.

Contact Me on Zalo
Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn