Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Cao Hoàng Minh, BVQT Phương Châu
Đau bụng kinh (hay thống kinh) là một triệu chứng rất phổ biến xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Hầu hết, người phụ nữ đều từng trải qua cảm giác đau bụng kinh một vài lần trong đời.
1. Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh là đau bụng quanh kỳ kinh nguyệt. Đau có thể xảy ra trong kỳ kinh nguyệt hoặc trước đó từ 1 đến 3 ngày. Các cơn đau có khuynh hướng đạt đỉnh 24 giờ sau khi bắt đầu kinh nguyệt và giảm dần sau 2 đến 3 ngày. Đau bụng kinh thường là đau quặn, đau âm ỉ liên tục, đau nhói hoặc nhoi nhói. Cơn đau có thể lan ra lưng hoặc ra chân.
2. Đau bụng kinh có mấy loại?
Đau bụng kinh được chia thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát
a. Đau bụng kinh nguyên phát:
- Là những cơn đau mang tính lặp đi lặp lại vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt và không do bệnh lý. Đau mức độ nhẹ đến dữ dội ở vùng bụng dưới, lưng hoặc đùi. Có thể đi kèm các triệu chứng khác như cảm thấy buồn nôn và nôn, mệt mỏi và thậm chí là tiêu chảy.
- Đau bụng kinh nguyên phát thường bắt đầu khoảng 1-2 ngày trước kỳ kinh hoặc khi bắt đầu có kinh nguyệt. Tình trạng này sẽ giảm dần khi phụ nữ già đi hoặc có thể chấm dứt hoàn toàn sau sinh con.
b. Đau bụng kinh thứ phát:
- Là những cơn đau liên quan đến bệnh lý rối loạn hoặc nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ. Chẳng hạn như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, lạc tuyến tử cung, viêm vùng chậu…
- Cơn đau bụng kinh thứ phát thường bắt đầu sớm hơn chu kỳ kinh và cơn đau sẽ kéo dài hơn so với thông thường. Ngoài ra, tình trạng đau bụng này sẽ không đi kèm các triệu chứng như cảm thấy buồn nôn, nôn, mệt mỏi hoặc tiêu chảy.
3. Làm thế nào để giảm đau bụng kinh?
Để giảm cơn đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt, chị em có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Chườm ấm lên vùng bụng dưới.
- Tắm bằng nước ấm.
- Tập các bài tập nhẹ nhàng để thư giãn và giải tỏa tâm lý như thiền, yoga…
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích vì nó khả năng làm tăng các cơn đau bụng.
- Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giất cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu sự khó chịu của đau bụng kinh.
- Sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, chị em cần cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, tuyệt đối không lạm dụng thuốc.
Đối với trường hợp đau bụng kinh thứ phát có liên quan đến bệnh lý để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản nói riêng, chị em cần được sự tư vấn của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
4. Đau bụng kinh có thể phòng ngừa được không?
Đau bụng kinh là biểu hiện tự nhiên của cơ thể trong thời gian hành kinh. Hoạt động co bóp của tử cung để đẩy lớp niêm mạc và trứng ra khỏi cơ thể do đó không thể ngăn ngừa được những cơn đau này. Tuy nhiên, có thể giảm cơn đau bụng dữ dộ bằng một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, kết hợp tập luyện thể dục thể thao điều độ.
5. Một số lưu ý giúp chị em phòng tránh các bệnh lý Phụ khoa
Bên cạnh phản ứng tự nhiên của cơ thể, cơn đau bụng kinh có thể do bệnh lý rối loạn hoặc nhiễm trùng cơ quan sinh sản gây ra. Vì vậy, chị em cần lưu ý những vấn đề sau:
- Trong kỳ kinh nguyệt, nên giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Tránh quan hệ tình dục trong những ngày hành kinh để hạn chế gây viêm nhiễm.
- Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh vùng kín, nhất là khi mang thai và sinh con để tránh viêm tiểu khung và các biến chứng phụ khoa sau khi sinh.
- Khi có nhu cầu thực hiện các biện pháp tránh thai, nên đến những cơ sở y tế uy tín. Để tránh viêm dính niêm mạc tử cung cũng như phát sinh các bệnh lý khác.
- Khám và tầm soát các bệnh phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bệnh lý phụ khoa và có hướng điều trị kịp thời.
Mặc dù đau bụng kinh là một hiện tượng phổ biến trong kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Tuy nhiên, cũng có thể là biểu hiệu của một số tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Do đó chị em nên khám phụ khoa định kỳ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
THÔNG TIN BỆNH VIỆN PHƯƠNG CHÂU SA ĐÉC
- Địa chỉ: 153 Nguyễn Sinh Sắc, Phường 2, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp
- Fanpage: https://www.facebook.com/phuongchausadec
- Website: https://sadec.phuongchau.com/