BS.CKI. Bành Thị Mỹ Hoa & ThS.BS. Mai Phương Thảo
Mỗi năm ước tính có tới 17,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch (WHO, 2015). Trong đó, nhóm bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất và thường gặp nhất trong cộng đồng là các bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa.
Bệnh động mạch vành hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh lý đặc trưng bởi tích lũy mảng xơ vữa trong các động mạch vành. Điều này gây hẹp và làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim.
Bệnh có thể diễn tiến mạn tính hay cấp tính. Tuy nhiên, hội chứng động mạch vành mạn thường tiến triển và nặng dần, thậm chí trong những thời kỳ không biểu hiện lâm sàng. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về hội chứng động mạch vành mạn.
Hội chứng động mạch vành mạn là gì?
Hội chứng động mạch vành mạn (HCĐMVM) là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành. Điều này xảy ra khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp/phẫu thuật.
Khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng ĐMV một cách đáng kể (thường là hẹp trên 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng. Điển hình nhất là đau thắt ngực/khó thở khi bệnh nhân gắng sức và đỡ khi nghỉ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch gồm 2 nhóm yếu tố:
– Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được: nam giới, phụ nữ thời kỳ mãn kinh, gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, lớn tuổi.
– Các yếu tố nguy cơ thay đổi được: tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, ít vận động, thừa cân, béo phì.
Dấu hiệu nhận biết
Đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp của bệnh nhân HCĐMVM. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có biểu hiện khó thở hoặc không triệu chứng. Điều này xảy ra trong bệnh cảnh thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng.
Thể không đau ngực thường gặp ở người bị bệnh tiểu đường lâu năm hoặc người có ngưỡng chịu đau cao hơn người khác.
Các cận lâm sàng thăm dò hội chứng động mạch vành
Có nhiều phương pháp chẩn đoán hội chứng động mạch vành:
– Xét nghiệm sinh hóa cơ bản
– Điện tâm đồ
– Siêu âm tim
– Siêu âm tim gắng sức
– Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim và chụp phóng xạ tưới máu cơ tim
– Thông tim và chụp mạch vành
Trong đó, thông tim và chụp mạch vành là phương pháp xâm lấn nhưng hiện đại nhất. Phương pháp này giúp quan sát hình dạng, vị trí và mức độ hẹp mạch vành. Bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc các biện pháp can thiệp: hút huyết khối, nong, đặt stent mạch vành.
Điều trị hội chứng động mạch vành như thế nào?
Thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ:
– Ngưng hút thuốc lá
– Chế độ ăn lành mạnh, hạn chế rượu, bia
– Kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục thường xuyên
– Điều trị các rối loạn tâm lý nếu có
– Tránh môi trường ô nhiễm
– Tiêm phòng cúm hàng năm
Điều trị bằng thuốc
Hai mục tiêu điều trị chính là giảm triệu chứng đau thắt ngực và phòng ngừa biến cố tim mạch.
Các nhóm thuốc điều trị:
– Các thuốc điều trị đau thắt ngực: được chỉ định hàng đầu gồm các thuốc chẹn beta giao cảm. Có hoặc không kết hợp với các thuốc như chẹn kênh canxi, nhóm nitrat, các nhóm thuốc khác.
– Các thuốc phòng ngừa biến cố tim mạch:
+ Kháng kết tập tiểu cầu
+ Điều trị hạ lipid máu
+ Ức chế hệ renin – angiotensin – aldosterone
Trong điều trị cần cá thể hóa điều theo từng đối tượng, bệnh đồng mắc, tương tác thuốc, sự ưa thích của bệnh nhân và sự sẵn có của thuốc.
Tái thông động mạch vành
Điều trị nội khoa tối ưu là chìa khóa giúp giảm triệu chứng, làm ngừng sự tiến triển và phòng ngừa biến cố tắc mạch do xơ vữa.
Chỉ định khi đã điều trị nội khoa tối ưu mà bệnh nhân vẫn xuất hiện triệu chứng và/hoặc với mục đích cải thiện tiên lượng. Khuyến cáo mới nhất hiện nay đã mở rộng chỉ định hơn dựa trên các thăm dò chức năng xâm lấn.
Quyết định tái thông bằng can thiệp ĐMV qua da hoặc bắc cầu nối chủ vành dựa trên biểu hiện lâm sàng (có triệu chứng hay không) và bằng chứng thiếu máu cơ tim cục bộ. Nếu không có bằng chứng thiếu máu cơ tim, chỉ định tái thông dựa vào đánh giá mức độ hẹp hoặc tiên lượng.
Theo dõi và quản lý lâu dài bệnh nhân có hội chứng động mạch vành mạn
Các biến cố tim mạch có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau một thời gian ổn định hoặc phải trải qua các can thiệp khác dù có hay không có triệu chứng. Vì thế, bệnh nhân đã được chẩn đoán HCĐMVM cần được điều trị và theo dõi lâu dài.
Bệnh tim mạch luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi sự nguy hiểm, xuất hiện âm thầm và để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Tổng đài 1900 54 54 66 (ấn phím 2) sẵn sàng hỗ trợ các gia đình những thông tin cần thiết.
————————————-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế (2020), Thực Hành Chẩn Đoán Và Điều Trị Bệnh Động Mạch Vành: Hội Chứng Động Mạch Vành Mạn
- Hajar R. (2017), Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh động mạch vành: Quan điểm lịch sử, Quan điểm về tim, 18 (3), tr. 109–114.
- Knuuti J., Wijns W. và cộng sự (2019), Hướng dẫn ESC 2019 về chẩn đoán và quản lý các hội chứng mạch vành mãn tính, Tạp chí Tim mạch Châu Âu, 41 (3), tr. 407–477.
- Ralapanawa U., Sivakanesan R. (2021), Dịch tễ học và tầm quan trọng của bệnh động mạch vành và hội chứng mạch vành cấp tính: Đánh giá tường thuật , J Epidemiol Glob Health, 11 (2), tr. 169-177.