“TUYỂN TẬP” Những câu hỏi về dinh dưỡng được mẹ bầu quan tâm nhất trong thai kỳ

“TUYỂN TẬP” Những câu hỏi về dinh dưỡng được mẹ bầu quan tâm nhất trong thai kỳ

1. Tại sao dinh dưỡng khi mang thai lại quan trọng?

Ăn uống đầy đủ là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm khi mang thai. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp bạn giải quyết các nhu cầu bổ sung dưỡng chất cho cơ thể khi thai kỳ tiến triển.
Mục đích là cân bằng việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì cân nặng hợp lý của thai phụ.

2. Mẹ bầu nên ăn bao nhiêu khi mang thai?

Câu nói phổ biến là phụ nữ mang thai “ăn cho hai người”, nhưng chúng ta biết rằng việc ăn gấp đôi lượng thức ăn thông thường của bạn trong thai kỳ là rất nguy hiểm. Thay vì “ăn cho hai người”, hãy nghĩ đó là việc ăn uống lành mạnh gấp đôi.
– Nếu bạn mang đơn thai, bạn cần thêm khoảng 340 calo/ngày và bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai (và nhiều hơn một chút trong tam cá nguyệt thứ ba).
– Nếu bạn mang song thai, bạn cần thêm khoảng 600 calo/ ngày
– Nếu bạn mang tam thai, bạn cần thêm khoảng 900 calo/ ngày.

3. Tại sao tôi nên uống vitamin trước khi sinh?

Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong tất cả các chức năng của cơ thể bạn. Ăn thực phẩm lành mạnh và uống vitamin trước khi sinh hàng ngày sẽ cung cấp tất cả các vitamin và khoáng chất bạn cần trong thai kỳ.

4. Tôi có thể uống thêm vitamin trước khi sinh để bù đắp sự thiếu hụt không?

Câu trả lời là: Không uống nhiều hơn lượng vitamin trước khi sinh. Một số thành phần vitamin tổng hợp, chẳng hạn như vitamin A, có thể gây dị tật bẩm sinh ở liều cao hơn.

5. Tôi cần những loại vitamin và khoáng chất nào khi mang thai?

– Axit folic
– Sắt
– Canxi
– Vitamin D
– Choline
– Axit béo omega-3
– Vitamin B
– Vitamin C.

6. Axit folic là gì?

Axit folic còn được gọi là folate, là một loại vitamin B rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Axit folic có thể giúp ngăn ngừa các khuyết tật bẩm sinh lớn về não và cột sống của thai nhi được gọi là khuyết tật ống thần kinh (NTDs).

7. Tôi nên uống bao nhiêu axit folic?

Khi mang thai, bạn cần 600 microgam axit folic/ngày. Vì khó có thể nhận được nhiều axit folic này chỉ từ thực phẩm, bạn nên bổ sung vitamin trước khi sinh với ít nhất 400 microgam/ngày bắt đầu ít nhất 1 tháng trước khi mang thai và trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.

Phụ nữ đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh nên uống 4 miligam (mg) axit folic/ ngày như một cách bổ sung riêng biệt ít nhất 3 tháng trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Bạn và bác sĩ có thể thảo luận xem bạn có cần bổ sung hơn 400 microga/ ngày hay không?

8. Tại sao sắt lại quan trọng trong thai kỳ?

Cơ thể bạn sử dụng sắt để tạo thêm máu mà bạn và thai nhi cần trong thai kỳ.
– Phụ nữ không mang thai cần 18 mg sắt/ngày.
– Phụ nữ mang thai cần nhiều hơn: 27 mg sắt/ngày. Số lượng tăng lên này được tìm thấy trong hầu hết các loại vitamin trước khi sinh.

9. Làm cách nào để đảm bảo tôi cung cấp đủ chất sắt?

Ngoài việc bổ sung vitamin trước khi sinh với sắt, bạn nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt như đậu lăng, ngũ cốc, thịt bò, gà tây, gan và tôm. Bạn cũng nên ăn các loại thực phẩm giúp cơ thể hấp thụ sắt, bao gồm nước cam, bưởi, dâu tây, bông cải xanh và ớt.

10. Canxi là gì?

Canxi là một khoáng chất giúp hình thành xương và răng của thai nhi. Phụ nữ từ 18 tuổi trở xuống cần 1.300 mg canxi/ngày. Phụ nữ từ 19 tuổi trở lên cần 1.000 mg mỗi ngày.

11. Thực phẩm nào chứa canxi?

Sữa và các sản phẩm từ sữa khác, chẳng hạn như pho mát và sữa chua, là những nguồn cung cấp canxi tốt nhất.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các sản phẩm từ sữa, bạn có thể lấy canxi từ các nguồn khác, chẳng hạn như: bông cải xanh, thực phẩm tăng cường (ngũ cốc, bánh mì và nước trái cây), hạnh nhân và hạt vừng, cá mòi hoặc cá cơm có xương và các loại rau lá xanh đậm. Bạn cũng có thể nhận được canxi từ các chất bổ sung canxi.

12. Vitamin D làm gì trong cơ thể?

Vitamin D kết hợp với canxi để giúp xương và răng của thai nhi phát triển. Vitamin D cũng rất cần thiết cho làn da và thị lực khỏe mạnh.
Tất cả phụ nữ, dù mang thai hay không, đều cần 600 đơn vị quốc tế vitamin D/ngày.

13. Thực phẩm nào chứa vitamin D?

Các nguồn cung cấp vitamin D dồi dào bao gồm sữa tăng cường và ngũ cốc ăn sáng, cá béo (cá hồi và cá thu), dầu gan cá và lòng đỏ trứng.

14. Choline là gì?

Choline đóng một vai trò trong sự phát triển não bộ của thai nhi. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh phổ biến. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung 450 mg choline/ngày.

15. Thực phẩm nào chứa choline?

Choline có thể được tìm thấy trong thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành và đậu phộng.

Mặc dù cơ thể tự sản xuất một số choline, nhưng nó không tạo ra đủ để đáp ứng tất cả các nhu cầu của bạn khi bạn đang mang thai. Điều quan trọng là phải bổ sung choline từ chế độ ăn uống của bạn vì nó không được tìm thấy trong hầu hết các loại vitamin trước khi sinh.

16. Axit béo omega-3 là gì?

Axit béo omega-3 là một loại chất béo được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại cá. Omega-3 có thể quan trọng đối với sự phát triển của não trước và sau sinh.

17. Tôi nên ăn bao nhiêu cá để có đủ axit béo Omega-3 mà tôi cần?

Phụ nữ nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá hoặc động vật có vỏ mỗi tuần trước khi mang thai, khi đang mang thai và khi đang cho con bú. Một khẩu phần cá khoảng 250g-400g.

18. Tôi nên tránh những loại cá nào?

Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao hơn những loại cá khác. Thủy ngân là một kim loại có liên quan đến dị tật bẩm sinh. Không ăn cá ngừ mắt to, cá thu, cá chép, cá nhám da cam, cá mập, cá kiếm hoặc cá ngói.

19. Những thực phẩm nào khác chứa axit béo Omega-3?

Hạt lanh (xay hoặc dầu) là nguồn cung cấp Omega-3 dồi dào. Các nguồn Omega-3 khác bao gồm bông cải xanh, dưa đỏ, đậu tây, rau bina, súp lơ trắng và quả óc chó.

20. Vitamin nhóm B là gì?

Vitamin B, bao gồm B1, B2, B6, B9 và B12, là những chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ. Các loại vitamin này cung cấp năng lượng cho bạn, cung cấp năng lượng cho sự phát triển của thai nhi, phát triển thị giác, hình thành nhau thai.

21. Tôi có thể ăn gì để có đủ vitamin B?

Bạn có thể nhận được lượng vitamin B từ gan, thịt lợn, thịt gà, chuối, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì.

22. Vitamin C là gì?

Vitamin C rất quan trọng cho một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nó cũng giúp xây dựng xương và cơ chắc khỏe.
Trong thời kỳ mang thai:
– Nếu bạn >19 tuổi, bạn nên bổ sung ít nhất 85 mg vitamin C/ngày
– Nếu bạn <19 tuổi, bạn nên bổ sung ít nhất 80 mg vitamin C/ngày

23. Thực phẩm nào chứa vitamin C?

Bạn có thể nhận được lượng vitamin C từ các vitamin hàng ngày mà bạn uống, cũng như từ trái cây và nước ép cam quýt, dâu tây, bông cải xanh và cà chua.

24. Làm thế nào để tôi có thể bổ sung đủ nước khi mang thai?

Uống suốt cả ngày, không chỉ khi bạn khát. Cố gắng uống 8-12 cốc nước/ngày khi mang thai.

25. Ngũ cốc là gì?

Bánh mì, mì ống, bột yến mạch, ngũ cốc và bánh ngô đều là ngũ cốc. Ngũ cốc nguyên hạt là những loại chưa qua chế biến và bao gồm cả hạt nguyên hạt. Yến mạch, lúa mạch, gạo lứt và bột mì khô đều là ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các sản phẩm làm từ ngũ cốc đó.

26. Tôi nên ăn những loại trái cây nào?

Bạn có thể ăn trái cây tươi, đóng hộp, đông lạnh hoặc khô. Nước ép trái cây có thành phần từ 100% là nước trái cây cũng được tính vào trái cây. Hãy chuẩn bị một nửa đĩa trái cây và rau trong giờ ăn.

27. Tôi nên ăn những loại rau nào?

Bạn có thể ăn rau sống, đóng hộp, đông lạnh, hoặc sấy khô hoặc uống 100% nước ép từ rau. Sử dụng rau màu xanh đậm để làm món rau trộn.

28. Thực phẩm protein là gì?

Thịt, gia cầm, hải sản, đậu và đậu Hà Lan, trứng, các sản phẩm đậu nành chế biến, các loại hạt và hạt đều chứa protein. Ăn nhiều loại protein mỗi ngày.

29. Thực phẩm từ sữa là gì?

Sữa và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như pho mát, sữa chua và kem. Đảm bảo rằng bất kỳ loại thực phẩm từ sữa nào bạn ăn đều được tiệt trùng. Chọn các loại không béo hoặc ít béo (1%).

30. Dầu và chất béo đóng vai trò gì trong một kế hoạch ăn uống lành mạnh?

Dầu và chất béo là một phần khác của chế độ ăn uống lành mạnh. Mặc dù chúng không phải là một nhóm thực phẩm nhưng chúng cung cấp cho bạn những chất dinh dưỡng quan trọng. Trong thời kỳ mang thai, chất béo bạn ăn vào sẽ cung cấp năng lượng và giúp hình thành nhau thai và nhiều cơ quan của thai nhi.

31. Nguồn dầu và chất béo lành mạnh là gì?

Dầu trong thực phẩm chủ yếu đến từ các nguồn thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu hạt và dầu hạt nho.

Chúng cũng có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như một số loại cá, quả bơ, quả hạch và ô liu. Hầu hết các chất béo và dầu trong chế độ ăn uống của bạn nên đến từ các nguồn thực vật. Hạn chế chất béo bão hoà, chẳng hạn như chất béo từ nguồn động vật. Chất béo bão hoà cũng có thể được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn.

32. Tôi nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai?

Việc tăng cân phụ thuộc vào sức khỏe và chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn trước khi mang thai.
– Nếu bạn bị thiếu cân trước khi mang thai, bạn nên tăng cân nhiều hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai.
– Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai, bạn nên tăng cân ít hơn.
Mức độ tăng cân khác nhau theo 3 tháng:
– Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên), bạn có thể chỉ tăng từ 0.5-2.5kg hoặc không tăng chút nào.
– Nếu bạn có cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai, bạn nên tăng từ 250 gram đến 0.5kg/ tuần trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

33. Tôi nên ăn thêm bao nhiêu calo?

– Trong tam cá nguyệt đầu tiên với một thai nhi, thường không cần thêm calo.
– Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn sẽ cần thêm 340 calo/ngày
– Trong tam cá nguyệt thứ ba, cần thêm khoảng 450 calo/ngày.
Để có thêm calo trong ngày, hãy chuẩn bị sẵn những món ăn nhẹ lành mạnh, chẳng hạn như các loại hạt, sữa chua và trái cây tươi.

34. Thừa cân hoặc béo phì có thể gây ra các vấn đề như thế nào khi mang thai?

Cân nặng quá mức trong khi mang thai có liên quan đến một số biến chứng khi mang thai và sinh nở, bao gồm: Huyết áp cao, Tiền sản giật, Sinh non, Tiểu đường thai kỳ.

Béo phì khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ: Thai to, chấn thương lúc sanh, sinh mổ, dị tật bẩm sinh.

35. Nếu tôi béo phì hoặc thừa cân thì sao?

Bạn và bác sĩ sẽ làm việc cùng nhau để phát triển một kế hoạch dinh dưỡng và tập thể dục. Nếu bạn tăng cân ít hơn so với khuyến cáo và nếu thai nhi của bạn đang phát triển tốt, vậy thì việc tăng ít hơn so với khuyến cáo này có thể có lợi.

Nếu thai nhi của bạn không phát triển tốt, có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống và kế hoạch tập thể dục của bạn.

Nguồn tham khảo: www.acog.org

BS Nguyễn Văn Tuấn, quyền Trưởng khoa Hậu sản-Cấp cứu sản-Phòng sanh, BV Phương Châu Sa Đéc

Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn