Ung thư buồng trứng là một bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng xảy ra nhiều ở những người phụ nữ từ 55 đến 64 tuổi và ít xảy ra đối với những phụ nữ tiền mãn kinh. Tuy bệnh không phổ biến, nhưng do chị em phụ nữ thường chủ quan không đi thăm khám, dẫn đến bệnh trở nặng, gây nhiều khó khăn trong việc chữa trị.
Ung thư là gì?
Hằng ngày, các tế bào trong cơ thể chúng ta đều phát triển, phân chia và được thay thế thường xuyên theo chu trình. Tuy nhiên, khi các tế bào này phân chia theo cách bất thường và phát triển ngoài tầm kiểm soát, chúng sẽ hình thành nên khối u gây ra ung thư.
Tuy nhiên, không phải tất cả khối u đều gây nên ung thư. Có 2 dạng khối u: u lành tính và u ác tính.
– Khối u lành tính: Các khối u lành tính thường không gây tổn hại cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu khối u có xu hướng chèn ép các cấu trúc quan trọng như mạch máu hoặc dây thần kinh thì sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Vậy nên, các chị em vẫn cần đi thăm khám và theo dõi thường xuyên.
– Khối u ác tính: Các khối u ác tính sẽ xâm lấn và phá hủy các mô và cơ quan lân cận. Bên cạnh đó, tế bào ung thư cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể và hình thành các vùng ung thư mới.
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng là tình trạng tế bào ung thư xuất hiện ở một trong hai buồng trứng, gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ung thư buồng trứng có thể phát triển từ bề mặt buồng trứng hoặc từ các mô bên trong buồng trứng.
Các giai đoạn và cấp độ của ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng có 4 giai đoạn:
– Giai đoạn I – Giai đoạn sớm nhất. Ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai buồng trứng.
– Giai đoạn II – Ung thư lan ra các cơ quan ở vùng chậu.
– Giai đoạn III – Ung thư đã lan đến các cơ quan trong vùng bụng.
– Giai đoạn IV – Giai đoạn ung thư di căn xa. Ung thư đã lan ra ngoài vùng bụng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi.
Một số tổ chức ung thư khác có thể phân chia giai đoạn chi tiết hơn để định hướng cho việc điều trị hiệu quả.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng là gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng bao gồm:
– Lớn hơn 55 tuổi
– Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư ruột hoặc ung thư nội mạc tử cung
– Phụ nữ đã từng mắc ung thư vú.
– Đột biến gen BRCA1 và BRCA2*
– Không có con
– Lạc nội mạc tử cung
– Hội chứng Lynch (hội chứng rối loạn di truyền trội)
(*) Hội chứng ung thư vú và buồng trứng di truyền (HBOC) là một hội chứng di truyền của ung thư vú, ung thư buồng trứng và các loại ung thư khác. Hội chứng HBOC thường liên quan nhiều nhất đến đột biến ở hai gen có tên BRCA1 và BRCA2. Có tới 24 trong 100 trường hợp ung thư buồng trứng là do đột biến BRCA1 và BRCA2.
Có những đột biến gen khác cũng có thể gây ung thư buồng trứng, bao gồm BRIP1, RAD1C và RAD51D. Vì những lý do này, các bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để tìm kiếm đột biến ở nhiều gen cùng một lúc, gọi là thử nghiệm đa gen.
Tuổi tác ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư buồng trứng của bạn như thế nào?
Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tăng lên khi bạn già đi. Hầu hết các trường hợp xảy ra sau mãn kinh ở phụ nữ từ 55 đến 64 tuổi. Ung thư buồng trứng ít phổ biến hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Các triệu chứng của ung thư buồng trứng là gì?
Khi xảy ra bất kỳ triệu chứng nào dưới đây nhiều hơn 12 ngày mỗi tháng, các chị em phụ nữ nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra:
– Bụng to nhanh
– Đau vai, đau bụng, đau bụng dưới
– Khó nuốt hoặc cảm thấy no nhanh
– Các triệu chứng tiết niệu: tiểu khó, tiểu gắt, tiểu nhiều lần…
– Các triệu chứng khác có thể bao gồm ra máu âm đạo bất thường, đặc biệt là sau khi mãn kinh và thay đổi thói quen đại tiện.
Các chị em nên làm gì để bảo vệ sức khỏe phụ khoa tốt hơn?
– Khám sức khỏe định kỳ: phụ nữ nên đi khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/1 lần để bảo vệ sức khỏe của bản thân
– Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ: oxytocin trong tuyến vú giúp sản sinh nhiều hoocmôn sinh dục giúp phòng ngừa ung thư buồng trứng
– Thường xuyên vận động, tránh ngồi một chỗ quá lâu.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin tự nhiên như rau xanh, ngũ cốc, hoa quả,… không nên ăn quá nhiều các thực phẩm chứa chất béo có hàm lượng cholesterol cao.
Ung thư buồng trứng là một bệnh lý không phổ biến, tuy nhiên các chị em phụ nữ thường có xu hướng không kiểm tra sức khỏe thường xuyên, dẫn đến khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng, khó chữa trị thậm chí tử vong. Vậy nên, các chị em cần thực hiện tầm soát ung thư phụ khoa để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, giúp phát hiện sớm các loại bệnh và thuận tiện hơn trong việc chữa trị nhé.
Trung Tâm Phụ Khoa Phương Châu – Chăm sóc sức khỏe phụ khoa chủ động cho người phụ nữ.
– Đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
– Có mặt trên hệ thống Phương Châu : Cần Thơ – Sa Đéc – Sóc Trăng.
– Quy trình khám và điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế JCI (Joint Commission International).
– Trang thiết bị hiện đại giúp tầm soát sớm các bệnh lý và khối u tiềm ẩn.
– Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến sự riêng tư và tối ưu hóa các biện pháp bảo vệ để các chị em an tâm hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
🏩 BỆNH VIỆN PHƯƠNG CHÂU SA ĐÉC
📍 Địa chỉ: 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
☎ Tổng đài hỗ trợ tư vấn: 1900 54 54 66 (nhấn phím 2)
Nguồn tham khảo: Ovarian Cancer for Patient, ACOG (Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ): https://www.acog.org/womens-health/faqs/ovarian-cancer