Viêm nhiễm phụ khoa trong thai kỳ và những điều cần biết

viêm nhiễm phụ khoa trong thai kỳ và những điều cần biết

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai do lượng nội tiết tố trong cơ thể thai phụ tăng cao. Đồng thời chức năng thận giảm, tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phụ khoa khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Tuy vậy, nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, viêm âm đạo khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, nếu có biểu hiện đau, ngứa rát… vùng âm đạo, nghi ngờ viêm nhiễm phụ khoa, người mẹ mang thai nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, bảo vệ an toàn cho cả hai mẹ con.

Bác sĩ Sản Phụ Khoa Phương Châu chia sẻ những cách phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo, lau rửa từ trước ra sau (từ âm đạo ra hậu môn), không thực hiện ngược lại
  • Chọn đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt
  • Tránh dùng các dung dịch, xà phòng có chất tẩy rửa mạnh
  • Ăn nhiều sữa chua có công dụng ngăn ngừa viêm âm đạo rất hiệu quả
  • Hạn chế ăn đường, đồ ngọt vì chúng làm tăng lượng bài tiết ở âm đạo
  • Khi bị viêm phụ khoa cần tránh quan hệ vợ chồng
  • Tìm hiểu các bệnh viêm phụ khoa xuất hiện trong thai kỳ và mức độ ảnh hưởng đến thai nhi

Viêm nhiễm âm đạo khi mang thai

VIÊM NHIỄM NẤM CANDIDA

Thường cư trú bên trong âm đạo, các vi nấm Candida này hoàn toàn vô hại khi môi trường giữ ở mức cân bằng. Tuy nhiên, trong giai đoạn thai nghén, sự tăng giảm nội tiết tố đột ngột làm thay đổi độ pH âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm sinh sôi, phát triển và gây bệnh.

Đặc điểm nhận dạng với các biểu hiện: khí hư trắng đục, lợn cợn hoặc đặc như màu sữa chua, âm hộ, âm đạo ngứa, đau kiểu bỏng rát. Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nấm Candida thường rất dễ dàng, tuy nhiên bệnh rất dễ tái đi tái lại nhiều lần.

Mẹ bầu cần điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh con nhằm tránh lây cho bé trong quá trình sinh nở. Những nguy cơ của bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con cần chú ý:

  • Khi sinh con qua âm đạo, nấm có thể dính vào niêm mạc miệng gây đen miệng hoặc viêm da do nấm cho trẻ sơ sinh.
  • Nguy hiểm hơn, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi do nấm…

VIÊM PHỤ KHOA DO NHÓM VI KHUẨN BACTERIAL VAGINOSIS (BV)

Đây là bệnh thường gặp nhất đối với phụ nữ mang thai, cứ khoảng 5 người thì sẽ có 1 người bị nhiễm bệnh. Bệnh xảy ra khi các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển một cách quá mức trong thai kỳ, do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone.

Đặc điểm nhận dạng với các biểu hiện: tiết dịch âm đạo chuyển sang màu xám, có mùi hôi tanh…

Người mẹ khi mang thai không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường ở vùng kín. Bởi nhóm vi khuẩn này thường có mối liên quan đến các biến chứng thai kỳ nguy hiểm như:

  • Vỡ màng ối sớm,
  • Nhiễm trùng nước ối,
  • Nguy cơ sảy thai khi thai nhi đã lớn, tăng nguy cơ sinh non cao gấp 2 lần so với người không bị bệnh,
  • Con sinh ra bị nhẹ cân,
  • Viêm màng tử cung sau khi sinh qua âm đạo hoặc sinh mổ…

VIÊM ÂM ĐẠO DO LẬU CẦU KHUẨN

Lậu cầu khuẩn cũng là một nguyên nhân gây viêm ngứa phụ khoa khi mang thai có mức độ nguy hiểm cao.

Nếu thời gian ủ bệnh kéo dài, người mẹ sẽ gặp các triệu chứng như: tiểu gắt, nước tiểu đục kèm theo mủ, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và đau vùng bụng dưới…

Bệnh phụ khoa khi mang thai do lậu cầu khuẩn gây ra nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tác động xấu đến thai nhi:

  • Nguy cơ sinh non tăng lên 8%, gây viêm màng ối, vỡ ối,
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân do suy dinh dưỡng bào thai
  • Bên cạnh đó, vi khuẩn lậu dễ lây nhiễm cho bé trong quá trình sinh thường qua ngã âm đạo.
  • Vi khuẩn từ chất dịch tiết ra ở đường sinh dục của người mẹ xâm nhập vào mắt của trẻ sơ sinh, gây nên tình trạng viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh. (từ ngày thứ 2 sau sinh, mắt của bé sẽ bị sung huyết, có nhiều mủ vàng, gây giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa)

NHIỄM HPV TRƯỚC VÀ TRONG THAI KỲ

HPV là một loại nhiễm trùng qua đường tình dục. Bạn sẽ có nguy cơ nhiễm virus HPV nếu bạn quan hệ với người bị nhiễm virus này. có hơn 150 loại HPV khác nhau tồn tại. Hầu hết các loại này không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, có khoảng 40 chủng virus có thể lây nhiễm qua đường sinh dục và có thể gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư.

Những biểu hiện của virus HPV ở thai phụ như:

  • Mụn cóc là những bướu thịt màu trên da mọc đơn lẻ hoặc thành từng cụm
  • Mụn cóc sinh dục phát triển trên âm đạo, âm hộ, cổ tử cung hoặc hậu môn ở phụ nữ
  • Mụn cóc thông thường hình thành trên tay hoặc khuỷu tay.
  • Mụn cóc Plantar xuất hiện trên gót chân…

Một điều lưu ý là, trong thai kỳ sự thay đổi nồng độ hormone góp phần làm cho mụn phát triển nhanh hơn so với bình thường. Cơ thể mẹ bầu cũng sản xuất một số lượng dịch tiết âm đạo – một môi trường thuận lợi cho mụn cóc phát triển mạnh.

Tuy vậy, có một tin tốt là tình trạng nhiễm virus HPV khi mang thai sẽ không truyền cho thai nhi hoặc phát triển thành bệnh nhiễm trùng nào khác. Trong trường hợp mụn cóc ngăn chặn đường em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ lẫn thai nhi trong bụng.

GIANG MAI (được tầm soát thường quy tại BVQTPC)

Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema Pallidum gây ra. Đây là bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.

Những ảnh hưởng từ bệnh Giang Mai đến thai nhi cần lưu ý như:

  • Gây nhiễm trùng bào thai,
  • Tăng nguy cơ sảy thai,
  • Sinh non,
  • Thai chết lưu…

Thai phụ mắc bệnh giang mai sẽ truyền qua nhau thai hoặc lây truyền qua đường sinh nở khiến trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh do nhiễm trùng từ người mẹ. Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong hoặc dị tật cho thai nhi sau khi sinh. Do đó, cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa bệnh giang mai lây từ mẹ sang con.

TÓM LẠI

Việc dùng thuốc ở phụ nữ có thai, nhất là trong những tháng đầu tiên là hết sức quan trọng. Hầu hết các thuốc bà bầu dùng trong thai kỳ, dù theo đường tiêm, đường uống, đường đặt (dưới lưỡi, viên đặt trong âm đạo, trong hậu môn), xịt họng hay nhỏ mũi… thậm chí thuốc bôi ngoài da… cũng đều có thể theo máu mẹ vào thai nhi qua hệ tuần hoàn thai.

Do đó, mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ với những cân nhắc và sự thận trọng bảo vệ an toàn cho mẹ và bé.

BS. Liêu Tấn Hưng

Contact Me on Zalo
Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn