Tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD)

Tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD)

Dạ dày của chúng ta có những lúc “ểnh ương” gây ra những khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đặc biệt là thời điểm sau bữa ăn hay thậm chí là vào ban đêm. Chúng tôi đang muốn nói đến một tình trạng thường gặp ở mọi người, đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là một hiện tượng sinh lý có thể gặp ở người bình thường, xảy ra khi dịch axit trong dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống thông giữa miệng và dạ dày được gọi là thực quản. Dung dịch axit này sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản của người bệnh.

Hiện tượng này thường xảy ra về đêm, sau bữa ăn, thời gian diễn ra ngắn và không gây triệu chứng. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản được xem là bệnh nếu gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc biến chứng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thay đổi từ có triệu chứng nhưng không kèm tổn thương trên nội soi, đến viêm thực quản do trào ngược trên nội soi và các trường hợp đã có biến chứng.

2. Đối tượng nguy cơ cao mắc GERD:

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

+ Thừa cân (BMI > 23), béo bụng

+ Phụ nữ mang thai

+ Nhiễm vi khuẩn HP

+ Thường xuyên bỏ bữa ăn

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

+ Chế độ ăn nhiều dầu mỡ

+ Sử dụng đồ uống có cà phê, rượu bia

+ Ăn quá no hoặc ăn khuya

+ Uống một số thuốc như giảm đau kháng viêm

+ Thói quen nằm nghỉ ngay sau khi ăn

+ Căng thẳng tâm lý

+ Hút thuốc lá

3. Triệu chứng nhận biết của bệnh:

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

– Ợ nóng (cảm giác nóng rát ở ngực), thường là sau khi ăn, tình trạng này có thể nặng hơn vào ban đêm

– Trớ là hiện tượng các chất trong dạ dày trào ngược lên miệng và cảm thấy vị, có khi nhiều đến nổi bệnh nhân nhầm với nôn.

– Ợ hơi

– Đau ngực

– Khó nuốt

– Nuốt đau

Nếu bị trào ngược axit vào ban đêm và kéo dài, người bệnh cũng có thể gặp vấn đề về bệnh lý hô hấp như: ho mãn tính, viêm thanh quản, hen suyễn

4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Chủ yếu dựa vào hỏi bệnh:

+ Triệu chứng điển hình: ợ nóng, trớ, ợ hơi, nuốt khó.

+ Triệu chứng không điển hình ngoài thực quản như: khàn tiếng, ho khan, viêm thanh quản, viêm xoang mạn, đau ngực không do tim, suyễn.

Nội soi tiêu hóa trên

Xét nghiệm mô bệnh học thực quản

X.Quang thực quản cản quang

Đo pH thực quản 24 giờ và đo kháng trở thực quản

5. Biến chứng

Viêm sướt thực quản là biến chứng thường gặp, chiếm khoảng 50%

6. Điều trị biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Hầu hết GERD được kiểm soát tốt khi kết hợp thay đổi lối sống và thuốc điều trị.

* Thay đổi lối sống:

Thứ nhất, nguyên tắc điều trị GERD quan trọng nhất là loại bỏ các yếu tố thuận lợi, các nguy cơ gây ra bệnh như ăn quá cay, quá chua, rượu bia, thuốc lá, cà phê, dùng chất kích thích, thừa cân, stress… Khi không có nguyên nhân thì bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể tự hồi phục hoặc điều trị dễ dàng hơn.

Thứ hai, GERD liên quan đến lối sống như cách ăn và thực phẩm ăn. Chúng ta nên giảm dần và ăn có kiểm soát, không nên ăn quá no, nhịn đói quá lâu hoặc ăn khuya… nên đi ngủ sau khi ăn ít nhất 3 tiếng.

Ngoài ra, khi nằm ngủ chúng ta nâng đầu cao để hạn chế trào ngược xảy ra.

* Điều trị bằng thuốc:

Điều trị bằng thuốc phải đảm bảo thời gian 4 – 8 tuần và tuân theo chỉ định bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc sẽ dẫn dễ tái phát.

Sự lựa chọn thuốc điều trị cần theo chỉ định bác sĩ, để tìm loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân mà ít ảnh hưởng đến tổng trạng sức khỏe và tương tác thuốc.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bệnh viện Chợ Rẫy (2018), Phác đồ điều trị nội khoa, NXB Y học.

2. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (2016), Phác đồ điều trị nội khoa.

3. Peter J. Kahrilas (2020), Complications of gastroesophageal reflux in adults, UpToDate.

4. John Maret-Ouda, Sheraz R. Markar, Jesper Lagergren (2020), Gastroesophageal Reflux Disease, JAMA.

BS Nguyễn Minh Đức, Chuyên khoa Nội, BVQT Phương Châu

Contact Me on Zalo
Hỏi đáp bác sĩ
Đặt lịch hẹn